Ngày 12/01/2021, Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ được đón nhận Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Tết nhảy là một nghi lễ truyền thống có giá trị văn hóa, tín ngưỡng và nhân văn sâu sắc của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ nói riêng và của dân tộc Dao ở Việt Nam nói chung. Từ xa xưa, lễ Tết nhảy đã gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần, nắm giữ phần hồn của đồng bào dân tộc Dao, nhắc nhở con cháu người Dao nhớ về nguồn cội, tỏ lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Lễ Tết nhảy đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay.
Diễn ra với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, Tết nhảy của người Dao ở xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ được tổ chức trong vòng 3 ngày 3 đêm, mang đậm nét truyền thống người Dao ở Việt Nam.
1. Công tác chuẩn bị
Để chuẩn bị cho việc tổ chức Tết nhảy Nhiàng chầm đao, gia đình thông báo, mời bà con dân bản, họ hàng, những người thân quen và các vị khách quý của gia đình tới tham dự lễ hội Tết nhảy của dòng họ. Thầy cúng và người chủ gia đình chuẩn bị trang trí lại bàn thờ họ, lau chùi, sửa soạn lại các loại nhạc cụ, dụng cụ phục vụ cho buổi lễ; đồ xôi, giã bánh dầy; dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc… sẵn sàng cho ngày lễ hội.
2. Lễ hội
2.1. Lễ cúng và xin âm dương
Sáng sớm, gia chủ sắp 4 mâm lễ để cúng, ba mâm gần bàn thờ được xếp cao hơn, có thủ lợn và bát hương, mâm còn lại thay thủ lợn bằng gà và không có bát hương, xếp thấp hơn. Thầy cúng mặc bộ y phục đúng quy định, tay cầm “trảo” xin âm dương, vừa đọc to lời cúng vừa đốt vàng mã gửi cho thần linh, tổ tiên, khấn thần linh tổ tiên để thông báo là gia đình năm nay tổ chức Tết Nhảy. Sau đó gia đình dọn cơm, mời tất cả mọi người đến tham gia Tết Nhảy cùng ăn với gia đình.
2.2. Múa “Lạp lì lò xuất xtảy” (múa ra quân)
Điệu múa này mang ý nghĩa là làm lễ cho thần linh, tổ tiên công nhận cho gia chủ đã tổ chức Tết Nhảy. Một tốp múa khoảng 8 - 10 người cùng với thầy cúng trên tay mỗi người cầm một loại nhạc cụ khác nhau như: trống, chiêng, sập sê, trảo, cờ, ... vừa đọc sách vừa nhảy múa. Những người tham gia trong màn múa này bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Màn múa kéo dài khoảng 1 giờ, kết thúc điệu múa này, mọi người sẽ nghỉ một ít phút, sau đó lại tiếp tục bắt đầu vào điệu múa kiếm.
Múa “Lạp lì lò xuất xtảy” (múa ra quân)
2.3. Múa “Pẻo dụ đao” (múa kiếm)
Những người tham gia vào màn múa kiếm sẽ chuẩn bị sẵn dụng cụ để múa, đó là một thanh kiếm gỗ đã được đẽo, trang trí từ trước. Điệu múa này thường có khoảng 4 người múa, cứ hai người thành một đôi múa với nhau. Động tác múa chủ yếu là mô tả lại động tác chiến đấu của người Dao khi vượt biển, phải qua một trạm biển gặp kẻ thù, họ đã chiến đấu với kẻ địch, động tác này mô tả lại để kể lại với thần linh, tổ tiên những gì họ đã trải qua. Tất cả màn múa trên diễn ra trong khoảng thời gian từ 1 đến 1,5 giờ. Khi những người múa kiếm nghỉ ngơi, tất cả mọi người trong lễ hội cùng tham gia vào màn múa dạo.
2.4. Múa “Lạp miên a dạo” (múa dạo)
Ở điệu múa này những người tham dự sử dụng các loại nhạc cụ trừ trống và chiêng. Một thầy cúng múa cùng mọi người, một thầy thì đọc to cuốn sách “Stay xung đáp miên” (đáp ma). Lần lượt, từng tốp múa khoảng 6 - 8 người, tay cầm nhạc cụ nhảy múa bất cứ điệu múa nào mà mình thích. Thời gian của màn múa dạo kéo dài 1 giờ, mỗi tốp múa trong khoảng 15- 20 phút, một tốp múa xong ra nghỉ thì tốp múa khác lại tiếp tục.
2.5. Múa “Pẻo tộ” (nhảy rùa)
Điệu múa này khác với các điệu múa trước bởi động tác múa phức tạp hơn, người múa phải diễn tả sao cho điệu múa gần với động tác của con rùa. Thầy cầm cờ nhảy trước, 6 người nhảy rùa theo sau. Tốp nhảy 6 người này gồm có 4 người tham gia trong Tết Nhảy còn 2 người cũng là người của Tết Nhảy song họ đóng vai hai thầy cúng một thầy cúng trong và một thầy cúng ngoài. Những người múa, mặc quần áo dân tộc Dao, tay cầm nhạc cụ sầm se vừa múa vừa đập vào nhau tạo thành âm thanh cho các nhịp múa. Cứ lần lượt hết tốp múa này đến tốp múa khác thay nhau vào múa trong khoảng thời gian 1 giờ.
Kết thúc điệu múa “Pẻo tộ”, cũng là lúc đến giờ ăn cơm nên mọi người cùng nghỉ ngơi ăn cơm, uống rượu. Ăn uống, nghỉ ngơi xong, mọi người lại tiếp tục múa lại các điệu múa trên. Các màn múa được quay vòng lặp đi lặp lại trong vòng 3 ngày 3 đêm.
2.6. Hoàn thành lễ hội
Đêm ngày thứ 3 của lễ hội, thầy cúng mặc váy với áo thêu lên đồng trước bàn thờ. Khi đã lên đồng xong, thầy ra ngoài cửa thổi 4 hồi “Piêng coong” (tù và) báo cáo với tổ tiên của gia chủ, các vị thần linh về Tết Nhảy, mô tả trình tự, chi tiết về nội dung Tết Nhảy với tổ tiên. Báo cáo xong, thầy cúng ngồi xuống một chiếc sập gỗ kê ở đầu nhà, đốt vàng mã gửi cho thần linh, tổ tiên. Xong các thủ tục trên, thầy cúng và gia đình chuẩn bị làm một phần lễ trước khi kết thúc đó là lễ Bảng cầu (lễ trả chiều). Trong lễ này, thầy cả tay cầm cờ hoa cắt bằng giấy phất lên cao với ý nghĩa là gọi tổ tiên về với con cháu. Làm xong thủ tục gọi các cụ về, thầy cúng lấy bó lúa vác lên vai, tay cầm cờ khẽ phất lên cao với ý nghĩa là gọi vía lúa về. Thầy lấy một bát nước làm phép tượng trưng với ý nghĩa là “Nước ở trên trời, năm tới thời tiết sẽ mưa thuận gió hòa, trời đất sẽ phù hộ cho gia đình, dòng họ và bà con dân bản sang mùa tới lúa tốt, bội thu”. Làm phép xong, thầy cúng sẽ lấy “trảo” xin âm dương, xin tổ tiên sang năm tiếp tục phù hộ cho con cháu rồi đốt giấy vàng mã, gửi tiền cho tổ tiên.
Xong lễ Bảng cầu các thầy làm lễ tổng kết lễ hội Tết Nhảy. Ở lễ tổng kết thầy cúng đứng trước bàn thờ, đi chân đất, lấy một “đị kìm” (thanh kiếm nhỏ dài khoảng 10 cm, rộng 3 cm) đặt lên mu bàn chân, sau đó vừa nói, khấn vừa hất cây kiếm lên cao. Hất kiếm xong, tay cầm quả chuông thầy vừa nói, vừa múa nội dung lời nói đại ý “dòng họ đã tổ chức xong Tết Nhảy, Tết Nhảy gồm có những phần sau … tổ tiên và thần linh công nhận cho dòng họ”. Gia đình mổ hai con lợn để làm lễ tổng kết, làm giấy ngựa “Chây ma” đốt gửi cho thần linh, tổ tiên.
Hoàn tất các thủ tục trên, gia đình lại tiếp tục tổ chức một bữa cơm tổng kết, mời tất cả mọi người cùng ăn./.
Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Phó Trưởng phòng, Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình.