Thứ 3 | 06/12/2016
Phú Thọ hiện có 260 lễ hội, trong đó có 232 lễ hội dân gian, 23 lễ hội lịch sử Cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo, có 01 lễ hội quy mô cấp quốc gia. Năm 2016, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng bước đi vào nề nếp, nội dung lễ hội phong phú, đa dạng. Các lễ hội đã được tổ chức đều nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân. Đa phần các lễ hội đều được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống cư dân địa phương.
 Ngay từ đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và nhắc nhở phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thị, thành tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động văn hóa truyền thống, hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong trong lễ hội: Hướng dẫn phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành, thị quán triệt, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên như: Chỉ thị 04/CT-BVHTTDL ngày 13/1/2016 của Bộ VHTT&DL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/2/2015 của Bộ VHTTDL về việc ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian; Thông tư 15/2015/TT- BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016. Chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 313/UBND-VXKG ngày 25/01/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đã ban hành các văn bản gửi  UBND huyện, thành, thị về việc tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016.
Năm 2016, các lễ hội từ cấp tỉnh đến cơ sở được tổ chức tương đối bài bản, với sự tham gia chỉ đạo, tổ chức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, do vậy phần lớn các lễ hội được tổ chức tôn nghiêm về  phần lễ, vui tươi lành mạnh về phần hội. Các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa truyền thống được khuyến khích  tổ chức. Nội dung hoạt động của lễ hội gồm các nghi thức tế, lễ, rước, dâng hương, dâng lễ... đều đảm bảo tính linh thiêng, cổ truyền, không có các biểu hiện của mê tín dị đoan; các hoạt động hội: các diễn xướng, các trò chơi, trò diễn, chương trình nghệ thuật ... là những sinh hoạt văn hóa phong phú, mang tính giáo dục, nhân văn và lành mạnh.
 
Lễ hội Đình Hạ Bì Hạ - xã Xuân Lộc – huyện Thanh Thủy
được tổ chức thành kính, trang nghiêm thu hút đông đảo nhân dân tham dự
Ảnh: Quách Sinh
 
Trong công tác tổ chức lễ hội, các địa phương đều xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập Ban tổ chức và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, chương trình lễ hội đã được ban hành. Về cơ bản các lễ hội đều được quản lý và tổ chức tốt trên các phương diện: quản lý tài chính có phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, quản lý, bảo vệ cơ sở thờ tự. Về vấn đề quản lý tài chính: tiền công đức, tiền giọt dầu được công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, không xảy ra các vấn đề tiêu cực trong thu - chi cho dịp lễ hội; Nguồn kinh phí thu được từ lễ hội đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch của địa phương, tái tu bổ di tích và tổ chức lễ hội. Về an ninh xã hội, bảo vệ môi trường được các địa phương quan tâm với sự vào cuộc của hầu hết các lực lượng tại địa phương. Những vấn đề tiêu cực như móc túi, lừa đảo, bắt chẹt khách, cờ bạc trá hình... hầu như không có. Phương tiện xe cộ được trông giữ cẩn thận. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đề cao, chú trọng. Nhiều lễ hội đã có bộ phận y tế, có bác sĩ và y tá thường trực để kịp thời xử lý trong mọi tình huống. Vấn đề quản lý, bảo vệ cơ sở thờ tự trong các lễ hội cũng đã được chú trọng. Đồ tế khí được bổ sung, các đồ thờ tự đang sử dụng được lau chùi và có phương án bảo vệ với các di vật, cổ vật trong di tích vào dịp lễ hội. Các di tích vào dịp trước lễ hội đều được tu bổ khang trang, có các giải pháp đảm bảo an toàn chống cháy nổ trong và xung quanh khu vực di tích.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội được các địa phương coi trọng và đã có nhiều biến chuyển tích cực. Các Ban quản lý di tích xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích cũng như hướng dẫn nhân dân, khách tham quan và hành lễ tại di tích, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ tốt di tích, cảnh quan, môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội. Nhờ vậy, nhiều di tích, lễ hội giữ gìn sự trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự, đẩy lùi những bất cập, tiêu cực, hành vi không hợp thuần phong mỹ tục như: việc thắp hương bừa bãi, đốt mã tràn lan, đặt quá nhiều hòm công đức, thương mại hóa lễ hội, bày bán hàng hóa lộn xộn và tự ý nâng giá…
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thanh tra Sở đã phối hợp với các phòng ban, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 03 cuộc kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trên địa bàn toàn tỉnh gồm: Hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, thể thao và du lịch phục vụ tết Nguyên đán năm 2016; công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội Xuân Bính Thân - 2016 và kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trước, trong và sau giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra một số lễ hội trọng điểm nằm trong chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2016” như: Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Phết Hiền Quan; Lễ hội đền Lăng Sương; Lễ hội đình Đào Xá… kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm tại di tích, danh lam thắng cảnh; lừa đảo, trộm cắp tài sản của du khách; thương mại hoá các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội. Qua kiểm tra, Đoàn đã tạm giữ 375 văn hóa phẩm không được phép lưu hành (sách khấn nôm, sách tử vi, lịch vạn sự), 30 thẻ sớ, 87 đĩa nhạc, đĩa hình không tem nhãn chưa rõ nội dung, bàn giao cho phòng Văn hóa và TT cấp huyện xử lý theo quy định.
Nhìn chung, các lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn; ý thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, về đảm bảo vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những năm trước đây; các cấp chính quyền đã quan tâm chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn lễ hội, vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân cũng như các tổ chức xã hội. Chất lượng phục vụ du khách từng bước được chú trọng, mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội năm 2016 đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho du khách. Một số địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: Lễ hội đình làng Thổ Khối (xã Phương Xá - huyện Cẩm Khê), lễ hội Đền nhà Bà (xã Tiên Du - huyện Phù Ninh), Lễ hội Đền Quốc tế (xã Dị Nậu - huyện Tam Nông), lễ hội đền Vân Luông (phường Vân Phú - TP. Việt Trì), lễ hội đền Lăng Xương (xã Trung Nghĩa - huyện Thanh Thủy), Lễ hội Đền Du Yến (xã Chí Tiên - huyện Thanh Ba), lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã - huyện Lâm Thao), lễ hội Đình Ngọc Tân (xã Ngọc Quan - huyện Đoan Hùng)….Một số lễ hội lớn như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội đình Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn), lễ hội đình Đào Xá (huyện Thanh Thuỷ), ngày hội văn hoá các dân tộc các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội…
Ngoài ra trong năm 2016, Sở VHTT&DL đã phối hợp tổ chức thành công 02 hội thảo khoa học: Hội thảo, tọa đàm “Văn hóa ứng xử trong lễ hội” với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian và đại diện lãnh đạo một số Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố; gần 30 bài tham luận đề cập đến thực trạng lễ hội tại các địa phương, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tham mưu, tổ chức, quản lý lễ hội tại địa phương; đề xuất những giải pháp, kiến nghị để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đưa hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đi vào nề nếp theo chủ trương đường lối, chính sách pháp luật về văn hóa của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc; Phối hợp UBND huyện Tam Nông tổ chức Hội nghị, hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ cầu trâu Hương Nha, Xuân Quang và Hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông” với sự tham gia của đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa - Hội Di sản văn hóa Việt Nam; các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Tại hội thảo, đã có 11 ý kiến tham luận khẳng định giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của lễ cầu trâu Hương Nha, Xuân Quang và Hội Phết Hiền Quan cũng như đánh giá thực trạng, những mặt tích cực, tiêu cực, nguyên nhân tồn tại và đề ra một số giải pháp loại bỏ, thay thế các tập tục gây phản cảm, có tác động tiêu cực đến xã hội để tổ chức các lễ hội trên phù hợp với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân hiện nay.
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân – TUV, Giám đốc Sở VH, TT&DL phát biểu tại Hội thảo, tọa đàm “Văn hóa ứng xử trong lễ hội”
Ảnh: Quách Sinh
 
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có 02 lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã - huyện Lâm Thao) và Lễ hội Đình Đào Xá (xã Đào Xá - huyện Thanh Thủy).
Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: tình trạng lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, phần lớn nghiêng về phần lễ, phần hội ít được chú trọng. Các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại, có nơi còn để diễn ra các trò chơi mang tính thương mại; Còn một số địa phương tổ chức lễ hội rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức kém hiệu quả, chưa có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân; Chưa có những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng đất Tổ phục vụ du khách. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu lượng khách ngày càng tăng nhất là những ngày chính hội, gây áp lực nơi tổ chức lễ hội; Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội quy, quy chế Lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, công tác vệ sinh môi trường… chưa thường xuyên. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người tham gia lễ hội chưa cao…
Để mùa lễ hội năm 2017 diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách, thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ Chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội và các văn bản của Đảng, Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; Chỉ đạo Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội…
Đặng Thị Hồng Vân
 
 
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com