Thứ 5 | 23/05/2024

Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng nay (23/5), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước mà còn kiến tạo cho sự phát triển - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Nhiều cách làm sáng tạo được các địa phương triển khai

Phát biểu tại Tổ thảo luận số 4, nhằm làm rõ thêm về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực VHTTDL, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Hội thảo khoa học làm căn cứ thực tiễn để chuyển tư duy từ làm VHTTDL sang quản lý nhà nước về VHTTDL, toàn ngành đã đón nhận nhiều hơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy chính quyền các địa phương.

Theo đó, nhiều cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai như ban hành các Nghị quyết chuyên đề, Kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với 6 nhóm nhiệm vụ, 4 giải pháp tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

"Rất mừng là nhiều địa phương đã xác định được vai trò của văn hóa, ngay tên gọi của Nghị quyết đó là phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người vùng đất, địa phương đó. Qua đó cũng nhằm làm sáng tỏ thêm nội hàm về hệ giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp con người ở từng địa phương. Đặt con người ở vị trí trung tâm với vai trò là chủ thể để tạo nguồn lực phát triển" - Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng, có thể thấy, trên địa bàn cả nước, nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu cấp Quốc gia, cấp vùng, các địa phương được triển khai một cách sôi nổi, gắn liền với các sự kiện chính trị, nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, phát huy được sức mạnh mềm.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, thời gian qua chúng ta đã chú ý nhiều hơn đến việc kết hợp lĩnh vực văn hóa và du lịch, coi sản phẩm du lịch dựa trên sản phẩm văn hóa. Từ sản phẩm du lịch, chúng ta đang góp phần để tăng dư địa để phát triển thương mại và dịch vụ. Đến tháng 4/2024, Việt Nam đã đón khoảng 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Riêng về du lịch nội địa chúng ta luôn cán mốc theo kế hoạch đã đề ra.

Về thể thao, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đây là lĩnh vực rất được người dân quan tâm. Vì vậy, để phát triển lĩnh vực thể thao, Bộ VHTTDL xác định phải dựa trên 2 trụ cột đó là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thông qua thể thao quần chúng để phát hiện nguồn nhân lực năng khiếu cho thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng thông tin, đến nay, thể thao quần chúng đã phát triển rất mạnh mẽ với tỉ lệ người tập thường xuyên đạt trên 35% dân số. Về thể thao thành tích cao, chúng ta đã tham gia các đầu trường khu vực, châu Á và thế giới với thành tích đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Về mục tiêu gần nhất tại Olympic Paris 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành Thể thao đã chú trọng đầu tư cho các VĐV thuộc bộ môn mà Việt Nam có thế mạnh. Hiện nay, các VĐV đủ điều kiện tham dự đang tích cực tập luyện để có thể giành được thành tích tốt nhất, khẳng định vị thế Việt Nam trên bàn đồ thể thao thế giới.

Nhu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản của các địa phương rất lớn

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua thì từ thực tiễn quá trình phát triển, ngành VHTTDL vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Để tháo gỡ những "điểm nghẽn" về thể chế chính sách, Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều bộ Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Tại Kỳ họp thứ 7, Bộ VHTTDL với vai trò là cơ quan soạn thảo sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với quan điểm biến di sản trở thành tài sản, tập trung phân cấp triệt để, mạnh mẽ hơn cho các địa phương vì đây chính là nơi quản lý di tích, di sản. Đồng thời, huy động, khơi thông nguồn lực xã hội để tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, là tài sản mà biết bao thế hệ cha ông đã trao truyền lại cho thế hệ chúng ta.

"Xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước mà còn kiến tạo cho sự phát triển, đây là quan điểm mà Bộ VHTTDL luôn bám sát ngay từ khi được giao chủ trì soạn thảo" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng đề cập đó là việc Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo Bộ trưởng, đây là tin vui không chỉ đối với riêng ngành Văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, đây là Chương trình MTQG hướng đến xây dựng văn hóa và con người. Chương trình này vừa có chỉ tiêu cụ thể nhưng cũng có những chỉ tiêu định tính bởi khi nói đến văn hóa và con người là nói đến lĩnh vực rất trừu tượng.

Theo đó, Chương trình hướng đến 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, trong đó lần lượt xác định các vấn đề ưu tiên như xây dựng con người, môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, đầu tư cho di tích di sản, quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Nói riêng về lĩnh vực quảng bá văn hóa con người Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, khi Chương trình được thông qua thì chúng ta có thể xây dựng những Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, nơi chúng ta có mối quan hệ văn hóa gắn kết và tương đồng.

"Đây sẽ nơi ngôi nhà chung của văn hóa Việt Nam, của kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xây dựng theo lộ trình, thứ tự ưu tiên vì nguồn lực của đất nước chúng ta đang có hạn" – Bộ trưởng cho hay.

Về lĩnh vực di tích, di sản, thiết chế văn hóa, Bộ VHTTDL đã làm việc 3 lần với các địa phương. Qua các buổi làm việc đã đi đến một nhận thức chung đó là nhu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị di tích di sản, xây dựng các thiết chế văn hóa là rất lớn, nhất là đối với các địa phương đang khó khăn về ngân sách./.
Thế Công - Xuân Trường
Dẫn nguồn: 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL luôn bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước mà còn kiến tạo cho sự phát triển (bvhttdl.gov.vn)

 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com